Bài viết

Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------

Số: 04/2015/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

- Căn cứ vào Luật tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;

- Căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13;

- Căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;

- Căn cứ vào Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về Kế hoạchphát triển kinh tế - xã hội năm 2015;

- Căn cứ vào Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân số 09/2014/UBTVQH13 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về tống đạt, niêm yết quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Người thực hiện việc tống đạt quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là quyết định mở phiên họp) phải trực tiếp chuyển giao cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên (sau đây gọi chung là người được tống đạt). Người được tống đạtphải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định mở phiên họp.

2. Việc tống đạt quyết định mở phiên họp qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người được tống đạt. Văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho Tòa án. Thời điểm để tính thời hạn tống đạt quyết định mở phiên họp là ngày người được tống đạt xác nhận là họ đã nhận được quyết định mở phiên họp do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

3. Quyết định mở phiên họp được tống đạt đến địa chỉ của người được tống đạt. Trường hợp người được tống đạt đã chuyển đến nơi cư trú mới và đã thông báo cho Tòa án việc thay đổi nơi cư trú thì phải tống đạt theo địa chỉ nơi cư trú mới của họ. Nếu người được tống đạt không thông báo cho Tòa án biết về việc thay đổi địa chỉ nơi cư trú và địa chỉ nơi cư trú mới thì Tòa án thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều này.

Người được tống đạt phải ký nhận theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp người được tống đạt từ chối nhận quyết định mở phiên họp thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản, trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là tổ trưởng tổ dân phố) hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận quyết định mở phiên họp.

5. Trường hợp người được tống đạt vắng mặt thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản và giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố để thực hiện việc ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được tống đạt.

Trường hợp người được tống đạt vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc tống đạt phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc tống đạt, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc đại diện công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết bản chính quyết định mở phiên họp tại trụ sở Tòa án, Ủy bannhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được tống đạt; niêm yết bản sao quyết định mở phiên họp tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được tống đạt.

6. Việc tống đạt, niêm yết quyết định mở phiên họp phải bảo đảm thời hạn tống đạt, niêm yết theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Pháp lệnh.

7. Các biên bản được hướng dẫn tại khoản 4 và khoản 5 Điều này phải được lưu trong hồ sơ vụ việc.

8. Trường hợp Tòa án đã tống đạt trực tiếp quyết định mở phiên họp cho người được tống đạt, nhưng do trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng xảy ra đối với họ vào trước thời điểm Tòa án mở phiên họp hoặc ngay trong thời điểm họ đang trên đường đến Tòa án để tham gia phiên họp (như do thiên tai, hỏa hoạn, bị tai nạn, ốm nặng phải đi bệnh viện cấp cứu, người thân bị chết v.v...) nên họ không thể có mặt tại phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án và Tòa án đã nhận được thông báo từ phía người được tống đạt thì Tòa án phải hoãn phiên họp. Trường hợp người được tống đạt vắng mặt không phải do trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo thủ tục chung.

Điều 2. Về tính thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Theo quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì “thời hạn chấp hành quyết định được tính từ ngày người phải chấp hành quyết định bị tạm giữ đ đưa đi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”; do đó, thời gian cơ quan Công an tạm giữ người phải chấp hành biện pháp xử lý hành chính sau khi có quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 3. Về việc xác định “trường hợp cần thiết” quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 17 của Pháp lệnh

 “Trường hợp cần thiết” quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 17 của Pháp lệnh là trường hợp Thẩm phán xét thấy cần có thêm ý kiến của chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học; của đại diện chính quyền địa phương, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, nhà trường nơi người bị đề nghị là người chưa thành niên học tập; người giám định, người phiên dịch để làm rõ những tình tiết, tài liệu có trong hồ sơ đề nghị, nhưng chưa rõ ràng hoặc còn có ý kiến khác nhau.

Điều 4. Về việc thông báo hoãn phiên họp theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh

Trường hợp hoãn phiên họp theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh thì Tòa án phải thông báo cho những người tham gia phiên họp về việc hoãn phiên họp, lý do hoãn và thời gian mở lại phiên họp. Đối với những người vắng mặt tại phiên họp thì ngay sau khi hoãn phiên họp, Tòa án phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do hoãn, thời gian mở lại phiên họp cho họ biết.

Điều 5. Về đối tượng thuộc trường hợp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc quy định tại khoản 4 Điều 92 và khoản 1 Điều 94 của Luật xử lý vi phạm hành chính

1. Đối tượng thuộc trường hợp đưa vào trường giáo dưỡng quy định tại khoản 4 Điều 92 của Luật xử lý vi phạm hành chính là người đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà trong thời hạn 06 tháng họ đã ít nhất 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc hoặc gây rối trật tự công cộng và trong thời hạn 06 tháng đó họ lại thực hiện một trong các hành vi này, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Đối tượng thuộc trường hợp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật xử lý vi phạm hành chính là người đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (đối với người có nơi cư trú ổn định) hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (đối với người không có nơi cư trú ổn định) mà trong thời hạn 06 tháng họ đã ít nhất 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài hoặc vi phạm trật tự, an toàn xã hội và trong thời hạn 06 tháng đó họ lại thực hiện một trong các hành vi này, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 6. Về thẩm quyền quyết định việc thay đổi Thẩm phán quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 của Pháp lệnh

Điểm b khoản 2 Điều 20 của Pháp lệnh quy định: “Trường hợp có yêu cầu thay đi Thẩm phán thì Thẩm phán phải xem xét; nếu có căn cứ thì tạm dừng phiên họp và báo cáo Chánh án Tòa án xem xét, quyết định”; do đó, nếu có yêu cầu thay đổi Thẩm phán và Thẩm phán xét thấy mình thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh thì Thẩm phán tạm dừng phiên họp và báo cáo Chánh án Tòa án xem xét, quyết định việc thay đổi Thẩm phán; nếu Thẩm phán xét thấy việc yêu cầu thay đổi Thẩm phán là không có căn cứ thì không chấp nhận và tiếp tục xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 7. Về việc phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Sau khi những người tham gia phiên họp kết thúc tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và ý kiến của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 8. Về hậu quả của việc đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Pháp lệnh thì Tòa án trả hồ sơ đề nghị cho cơ quan đề nghị và xóa sổ thụ lý.

2. Trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Pháp lệnh thì Tòa án sẽ mở lại phiên họp để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi căn cứ tạm đình chỉ không còn. Thời gian tạm đình chỉ không tính vào thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 9. Về thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính là 01 năm, 06 tháng hoặc 03 tháng tùy từng trường hợp cụ thể và được tính từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hoặc kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm; do đó, thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính được tính từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 92 hoặc kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 92; khoản 1 Điều 94hoặc khoản 1 Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính cho đến ngày Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

2. Trường hợp do hành vi của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có dấu hiệu tội phạm nên Tòa án đã chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không khởi tố vụ án hình sự mà chuyển trả hồ sơ vụ việc đề nghị xử lý vi phạm hành chính thì thời gian cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự được tính vào thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 10. Về việc hủy quyết định của Tòa án cấp huyện, đình chỉ việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại khoản 4 Điều 35 của Pháp lệnh

Trường hợp Thẩm phán hủy quyết định của Tòa án cấp huyện, đình chỉ việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 15 của Pháp lệnh thì Tòa án nhân dân cấp huyện đã xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm trả lại hồ sơ đề nghị cho cơ quan đề nghị.

Điều 11. Về việc giải quyết đối với trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, nhưng tại thời điểm Tòa án xem xét, quyết định thì người bị đề nghị đã đủ 18 tuổi

Trường hợp tại thời điểm Tòa án xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng mà người bị đề nghị đã đủ 18 tuổi thì Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, nếu người bị đề nghị có đủ điều kiện thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Trường hợp người bị đề nghị không có đủ các điều kiện thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì Tòa án quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 12. Về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài

1. Người vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại các điều 92, 94 và 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người đó nhập cảnh vào Việt Nam bằng giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

b) Người đó cư trú ở Việt Nam cho đến khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

2. Người vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 13. Các mẫu văn bản của Tòa án nhân dân trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân ban hành kèm theo Nghị quyết

1. Thông báo về việc thụ lý hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Mẫu số 01);

2. Văn bản yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ (Mẫu số 02);

3. Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Mẫu số 03);

4. Thông báo về việc hoãn phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Mẫu số 04);

5. Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (mẫu số 05);

6. Quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (mẫu số 06);

7. Quyết định áp dụng (không áp dụng) biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng (Mẫu số 07);

8. Quyết định áp dụng (không áp dụng) biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Mẫu số 08);

9. Quyết định áp dụng (không áp dụng) biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Mẫu số 09);

10. Quyết định hoãn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Mẫu số 10);

11. Quyết định miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Mẫu số 11);

12. Quyết định giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý hành chính (miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại) (Mẫu số 12);

13. Quyết định tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính (Mẫu số 13);

14. Quyết định hủy bỏ quyết định hoãn/tạm đình chỉ chấp hành biện pháp xử lý hành chính và buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Mẫu số 14);

15. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị (Mẫu số 15).

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 04 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2015.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội; (để giám sát)
- Ủy ban tư pháp của Quốc hội; (để giám sát)
- Ủy ban pháp luật của Quốc hội; (để giám sát)
- Ban Nội chính Trung ương; (để báo cáo)
- Văn phòng Trung ương Đảng; (để báo cáo)
- Văn phòng Chủ tịch nước; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công an;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Y tế;
- Các Thẩm phán TANDTC;
- Các TAND các cấp;
- Các đơn vị thuộc TANDTC;
- Lưu: VT (VP, Vụ PC&QLKH).

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN





Trương Hòa Bình

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: