Bài viết

Một số giải pháp xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam

Một số giải pháp xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam

Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó điển hình là vấn đề nợ xấu. Nợ xấu đã trở thành một nỗi lo thường trực của nhiều ngân hàng thương mại không chỉ ở trên thế giới mà còn ở hệ thống các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Nợ xấu đã, đang và có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế. Đây được coi là nguyên nhân chính gây kìm hãm, hạn chế sự lưu thông của dòng tín dụng trong nền kinh tế. Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu không tốt hay để xảy ra tình trạng nợ xấu diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay. Trong bài viết này, tác giả phân tích bản chất và hậu quả của nợ xấu trong các ngân hàng thương mại hiện nay và đưa ra một số giải pháp cho việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

  1. Bản chất và hậu quả của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại
    Nợ xấu là vấn đề tồn đọng trong nhiều ngân hàng vì hoạt động tín dụng, hoạt động vay tiền, cho vay tiền luôn chứa đựng những rủi ro đáng kể. Bản chất của nợ xấu là một khoản tiền cho vay mà các ngân hàng thương mại xác định không thể thu hồi lại được hoặc nếu có thu lại được, thì thường rất khó và mất thời gian. Hầu hết trong các ngân hàng thương mại, nợ xấu chính là các khoản tiền mà ngân hàng cho khách hàng (phổ biến là các tổ chức, doanh nghiệp) vay nhưng khi đến hạn thu hồi nợ lại không thể đòi được do yếu tố chủ quan từ chính phía khách hàng như doanh nghiệp, tổ chức vay tín dụng làm ăn thua lỗ, phá sản dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán khoản nợ đã vay của ngân hàng khi đến kỳ hạn. Các khoản nợ xấu thường bị xóa sổ khỏi danh sách các khoản nợ phải thu của các ngân hàng thương mại và điều này gây tổn thất không nhỏ cho hoạt động kinh doanh tín dụng của ngân hàng. Nợ xấu càng cao thì rủi ro và tổn thất dòng vốn của các ngân hàng thương mại càng lớn. Xét về nguyên nhân của các khoản nợ xấu, có thể thấy, nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng không có nghĩa là do ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, mà xuất phát từ những khách hàng vay không trả được mới dẫn đến tình trạng nợ xấu. Do vậy, khi nói về nợ xấu, ngoài việc nói đến khả năng kiểm soát của các tổ chức tín dụng, cũng cần kể đến tình hình nền kinh tế và người vay có liên quan như thế nào, tức là xem xét đến nhiều mặt khác nhau, trên cơ sở khách quan, chủ quan và liên quan đến nhiều bên khác nhau.

Hiện nay, nợ xấu trong các ngân hàng thương mại của Việt Nam hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chủ yếu vẫn rơi vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng... Đây là những lĩnh vực chịu sự tác động từ sự đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản trong thời gian qua[1]. Hậu quả của nợ xấu vô cùng nan giải, bởi nó tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của các ngân hàng thương mại, khách hàng nói riêng. Đối với nền kinh tế, nợ xấu sẽ làm gia tăng sức ép tình trạng lạm phát, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và nếu nợ xấu với dòng tín dụng lớn rất có thể sẽ là nguyên nhân chủ yếu gây ra khủng hoảng hệ thống tài chính ngân hàng và khủng hoảng toàn bộ nền kinh tế. Đối với hệ thống các ngân hàng thương mại, nợ xấu sẽ là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại giảm thiểu hiệu quả trong việc sử dụng vốn, giảm lợi nhuận, chịu rủi ro dòng tiền, giảm khả năng thanh toán cho các khoản thanh toán của ngân hàng... Đặc biệt, nếu tình trạng nợ xấu diễn ra thường xuyên, liên tục và không được xử lý dứt điểm sẽ khiến các ngân hàng thương mại bị mất uy tín trong hoạt động kinh doanh tín dụng của mình. Còn riêng đối với khách hàng, nợ xấu sẽ làm giảm tốc độ chu chuyển vốn của khách hàng với ngân hàng, gây ảnh hưởng trực tiếp mối quan hệ giữa cả hai bên, tăng chi phí hoạt động, tăng gánh nặng trả nợ cho các ngân hàng thương mại và đặc biệt, uy tín của khách hàng cũng bị giảm sút khá lớn khi các ngân hàng thương mại không còn dám tiếp tục cho khách hàng vay, dù nguồn vốn không thiếu. Ngân hàng phải thận trọng hơn với các khoản vay để tránh các khoản nợ xấu tiếp theo, dẫn tới hậu quả là các ngân hàng có tiền mà không cho vay được, còn nền kinh tế thì vẫn tiếp tục khát vốn.
Chúng ta thấy rằng, nợ xấu và hậu quả của nợ xấu trong các ngân hàng thương mại là khá rõ rệt và được coi là “cục máu đông” cần được “đánh tan” để thị trường tín dụng có thể lưu thông một cách bình thường và ổn định. Rõ ràng, phải nhìn nhận các phương thức, biện pháp xử lý nợ xấu là điều cần thiết để tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế (trong đó bao gồm hoạt động tín dụng - ngân hàng), các ngân hàng thương mại và khách hàng sử dụng các dịch vụ tín dụng do các ngân hàng thương mại cung cấp.
Nhiều quốc gia trên thế giới có kinh nghiệm trong vấn đề xử lý nợ xấu ở các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại trên thế giới thường áp dụng các biện pháp, phương thức khác nhau hoặc đồng bộ để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ xấu và hậu quả do nợ xấu gây ra. Trong đó, một số điểm cần học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế như: Bám sát và tập trung nhận sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, Chính phủ và Nhà nước còn đóng vai trò tạo điều kiện để xây dựng một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để có thể điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch; hình thành các tổ chức, pháp nhân quản lý tài sản có sứ mệnh xử lý các khoản nợ xấu đang tồn đọng ở mức lớn trong hệ thống tài chính; xây dựng một cơ chế định giá các khoản nợ xấu một cách công khai và minh bạch... Điển hình có nhiều quốc gia và nhiều ngân hàng thương mại áp dụng quy trình xử lý nợ xấu qua các công ty quản lý tài sản (AMC). Ở các nước châu Á, hệ thống công ty quản lý tài sản là công ty do Nhà nước góp vốn hoặc công ty do tư nhân góp vốn. Công ty xử lý nợ xấu của Nhà nước thường hoạt động rất có hiệu quả khi vấn đề nợ xấu mang tính hệ thống và khung pháp lý đối với việc xử lý nợ xấu vẫn còn yếu. Hơn nữa, việc Chính phủ mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng thông qua các công ty xử lý nợ của Nhà nước có thể tạo ra cơ hội cho Chính phủ áp đặt các điều kiện giúp các ngân hàng tái cấu trúc lại vấn đề tài chính và cơ cấu hoạt động của mình. Hoạt động xử lý của các công ty quản lý tài sản gồm hai khâu chính là thu mua các khoản nợ xấu và xử lý các khoản nợ xấu đã được mua lại. Trong khâu thu mua các khoản nợ xấu thì công việc khó khăn nhất chính là phân loại và định giá các khoản nợ xấu...[2]
Kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới cũng như các ngân hàng thương mại trên thế giới cho thấy, có nhiều giải pháp khác nhau để xử lý nợ xấu hiện diện tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của các nước trên thế giới thường triển khai theo các nhóm giải pháp cơ bản như:

  1. Hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc bơm vốn, phương pháp hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ cho các ngân hàng và định chế tài chính khác nhằm đối phó với khủng hoảng;
  2. (ii) Thành lập công ty quản lý tài sản/công ty mua bán nợ để thu mua nợ xấu: Cơ quan này sẽ đứng ra mua lại các khoản nợ xấu ngân hàng, sau đó xử lý để bán lại các khoản nợ đã mua này;
  3. (iii) Tạo cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các ngân hàng thương mại và bên đi vay, làm trung gian cho các ngân hàng thương mại (bên cho vay) và các doanh nghiệp (bên đi vay) thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như thanh lý tài sản, gia hạn hợp đồng, điều chỉnh một số điều khoản của hợp đồng.


2. Giải pháp hiệu quả cho việc xử lý nợ xấu trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay

Tất cả các thống kê về tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian vừa qua đã minh chứng một bức tranh đầy đủ, toàn diện về hiện trạng nợ xấu ở hệ thống ngân hàng thương mại[3]. Tuy nhiên, trên thực tế, khó có thể xác định được nợ xấu là bao nhiêu, như thế nào và có thể thanh toán được hay không? Theo đó, chúng ta cần tiến hành xác định nguyên nhân và đưa ra những giải pháp cần thiết để tiến hành giải quyết nợ xấu đang diễn ra ở nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay. Dưới góc độ nghiên cứu và trên cở sở xem xét, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, có thể xét thấy nên áp dụng một số giải pháp để xử lý nợ xấu đang diễn ra khá phức tạp trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam thời gian vừa qua như sau:
Thứ nhất, xây dựng, duy trì, thiết lập hệ thống tài chính vững chắc gồm việc quy định các chuẩn mực, quy tắc, chế độ kiểm toán, quyết toán, kế toán, quản trị riêng biệt, khuôn khổ điều tiết, giám sát thị trường tài chính, thị trường tiền tệ... để xác định những mục tiêu cốt lõi hỗ trợ hệ thống tài chính hoàn thành vai trò của mình, bảo đảm tốc độ và chi phí chu chuyển vốn, khả năng truyền tải và phân tán rủi ro tài chính. Công việc này không ai làm tốt hơn chính Chính phủ và các cơ quan giúp việc liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính...

Thứ hai, xiết chặt các quy chế điều tiết để bảo đảm an toàn hệ thống sẽ luôn được đặt lên trước hết bất kể khi nào hệ thống ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao, bao gồm cả các mối đe dọa như khủng hoảng hoặc thậm chí là phá sản. Tiếp theo, mọi quy chế điều tiết quan trọng khác như các quy định về tỉ lệ an toàn hoạt động ngân hàng (đặc biệt là hệ số an toàn vốn tối thiểu - CAR), về phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro, về cho phép lưu hành một sản phẩm, công cụ tài chính mới hay chấp thuận cho mở rộng quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động mà mức độ rủi ro của chúng chưa được định lượng đầy đủ và bảo đảm đủ năng lực kiểm soát... đều cần được xem xét, đánh giá lại một cách nghiêm khắc và phải được xiết chặt hơn.

Thứ ba, giám sát nợ xấu một cách có hiệu quả thông qua hoạt động phân tích, phân loại nợ xấu theo định kỳ. Để việc xử lý nợ xấu được kịp thời, đạt được hiệu quả cao, thì khâu cảnh báo, phát hiện sớm nợ xấu phát sinh là rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến quá trình xử lý nợ sau này. Duy trì thường xuyên việc kiểm tra, phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân phát sinh nợ xấu, làm rõ trách nhiệm của cá nhân có liên quan nhất là ở những đơn vị, cá nhân phụ trách có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, gắn trách nhiệm thu hồi nợ xấu, xử lý rủi ro với trách nhiệm của cá nhân trong hoạt động cho vay.
Thứ tư, tăng cường pháp chế là giải pháp cần thực hiện nhanh chóng để có một chế độ và trật tự pháp luật, trong đó tất cả các chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác. Tăng cường pháp chế trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng là việc các cơ quan nhà nước có liên quan bao gồm Ngân hàng Nhà nước và các đối tượng bị quản lý là các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng, các tổ chức kinh tế và tất cả các công dân đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm khắc phục được tình trạng buông lỏng pháp chế một thời gian dài, khiến hoạt động tiền tệ - ngân hàng hỗn loạn như những năm vừa qua..., khi các cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng nhiều lúc đã tỏ ra bất lực, buông xuôi.

Thứ năm, tăng cường các cơ chế thỏa thuận, thương lượng trong xử lý nợ xấu giữa ngân hàng thương mại (bên cho vay) và các doanh nghiệp (bên đi vay) để đồng thuận, “chung lưng đấu cật” giữa hai bên trong việc giải quyết hậu quả của nợ xấu. Cả hai bên cần bàn bạc để có giải pháp hợp lý như đề ra các phương án trả nợ, xác định thời điểm trả nợ, thay đổi các điều khoản, nội dung hợp đồng tín dụng để phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của các bên.

Thứ sáu, giải quyết tốt vấn đề con người, vì đây là yếu tố quan trọng nhất trong sự thành công. Do vậy, để hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, cần phải có đội ngũ cán bộ tín dụng có phẩm chất, năng lực công tác và tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc. Thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ tín dụng. Một người có đạo đức tốt, thái độ hành xử đúng mực sẽ rất cân nhắc trong việc giải quyết cho vay trên cơ sở đầy đủ những thủ tục theo quy định và dự án có hiệu quả.

Tóm lại, nợ xấu trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam là một vấn đề nan giải. Để giải quyết được tình trạng này, cần thiết phải có sự tham gia của các bên để cùng chia sẻ thực trạng, qua đó tìm ra các giải pháp phù hợp. Việc tích cực cùng tham gia giải quyết của Chính phủ, các ngân hàng thương mại và các cá nhân, tổ chức nợ xấu rất quan trọng. Chính phủ tạo điều kiện cho thị trường tài chính phát triển đúng mức, kịp thời; xây dựng môi trường kinh tế, chính trị ổn định với những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Trong khi đó, doanh nghiệp và ngân hàng là những đối tượng trực tiếp tham gia và có ảnh hưởng lớn tới quá trình định giá các khoản nợ xấu, thỏa thuận mua bán lại nợ, và đặc biệt là giai đoạn phục hồi/thu hồi lại giá trị của các tài sản xấu đã mua lại. Nếu chỉ có nguồn dự phòng rủi ro của các ngân hàng, e rằng khối nợ xấu kia không thể sớm được giải quyết căn bản và triệt để. Bởi thế, xã hội hóa nguồn lực là một giải pháp nên cân nhắc trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta hiện này. Sự chung tay góp sức của các thành phần, tầng lớp xã hội trong việc xử lý nợ xấu ở hệ thống các ngân hàng thương mại sẽ giúp cho hoạt động này được kìm hãm và hạn chế gia tăng, phát triển trong tương lai.

 

Mọi chi tiết hay yêu cầu về dịch vụ, xin hãy vui lòng liên hệ với chúng tôi:

 

  • VINLAWYER & CỘNG SỰ
  • Vì cuộc sống an bình và thịnh vượng!
  • Địa chỉ : Tầng 5, số 2/2 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
  • Tell: 0903252891
  • Email: infor@vinlawyers.com
  • Website: vinlawyers.com

 

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: