Quyết toán thuế TNCN 2017 theo hướng dẫn của TCT 05/02/2018
Quyết toán thuế TNCN 2017 theo hướng dẫn của TCT 05/02/2018
Quyết toán thuế TNCN là công việc bắt buộc phải làm đối với cá nhân có phát sinh nhiều nguồn thu nhập chịu thuế (nếu một nguồn thì tổ chức đã làm thay) và doanh nghiệp có hoặc không phát sinh thu nhập chịu thuế của nhân viên công ty. Hiện tại, tờ khai được sử dụng theo mẫu 05/QTT-TNCN được kê khai theo ứng dụng HTKK 3.8.1. Bài này gồm 2 phần: hướng dẫn làm quyết toán thuế TNCN trên phần mềm HTKK và phần 2 là những quy định, hướng dẫn mới nhất của Tổng cục thuế về thuế TNCN theo công văn 5749 ngày 05/02/2018.
Hướng dẫn làm quyết toán thuế TNCN trên phần mềm HTKK
Bước 1: Tải về và cài đặt phần mềm quyết toán thuế TNCN
– Tải về phần mềm hỗ trợ kê khai mới nhất và đăng nhập vào phần mềm để làm quyết toán thuế TNCN: htkk mới nhất
– Chọn “Quyết toán thuế thu nhập cá nhân” -> Chọn “Tờ khai 05/QTT-TNCN” -> Chọn “Kỳ tính thuế”, màn hình sẽ xuất hiện như hình dưới:
Chú ý: Những tổ chức, doanh nghiệp mới thành lập không từ ngày 01/01 của năm quyết toán nên không tròn năm thì click vào ô: “Quyết toán không tròn năm” và bắt buộc phải nhập vào ô lý do. Để click chọn được vào đây thì phải quay lại bước chọn “Kỳ tính thuế” -> Phải chọn từ tháng mấy -> Thì khi vào trong tờ khai mới click được vào đây.
Bước 2: Lập tờ khai quyết toán thuế TNCN mẫu 05/QTT-TNCN:
Cách tốt nhất là nhập dữ liệu trên Excel rồi tải lên HTKK để tránh bị lỗi font chữ và nếu có trục trặc gì cũng không bị mất dữ liệu
Chỉ cần nhập ở các phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN, PL 05-2/BK-QTT-TNCN và PL 05-3/BK-QTT-TNCN. Sau đó phần mềm sẽ tự động cập nhật sang “Tờ khai 05/QTT-TNCN”.
- Cách lập phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN: Những cá nhân cư trú ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên thì kê khai vào phụ lục này:
– Chỉ tiêu [07] đến [09]: Nhập theo từng cá nhân. Nhập MST vào chỉ tiêu [08] thì không cần nhập số CMND/Hộ chiếu vào chỉ tiêu [09].
– Nếu muốn thêm dòng thì ấn phím “F5”. Nếu muốn xóa dòng thì ấn phím “F6”.
– Chỉ tiêu [10] – Cá nhân nào uỷ quyền cho tổ chức, doanh nghiệp quyết toán thay thì click vào ô vuông. Chi tiết xem công văn CV-801-TCT-TNCN (Phải có giấy ủy quyền theo mẫu 02/UQ-QTT-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày15/6/2015 của Bộ Tài chính. Chi tiết về các trường hợp được ủy quyền quyết toán thuế thay được quy định tại điểm a.4, Khoản 3, Điều 21 Thông tư này).
* Phần “Thu nhập chịu thuế”:
– Chỉ tiêu [11] Tổng số: Là tổng các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công đã trả trong kỳ cho cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, kể cả các khoản tiền lương, tiền công nhận được do làm việc tại khu kinh tế và thu nhập được miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.
Lưu ý: Các khoản thu nhập của cá nhân người lao động ở phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN này không được giảm trừ hoặc miễn thuế. Tức là Tổng thu nhập bao nhiêu thì nhập vào chỉ tiêu [11] bấy nhiêu. Cách tính:
Thu nhập chịu thuế | = | Tổng thu nhập | – | Các khoản được miễn thuế |
Tổng thu nhập: Là tổng số các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập chịu thuế khác có tính chất tiền lương, tiền công mà cơ quan chi trả đã trả cho cá nhân.
Các khoản được miễn thuế theo quy định: Tại Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về các khoản được miễn.
– Chỉ tiêu [12] Làm việc trong KKT: Là các khoản thu nhập chịu thuế mà doanh nghiệp trả thu nhập trả cho cá nhân do làm việc tại khu kinh tế, không bao gồm thu nhập được miễn giảm theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (nếu có).
– Chỉ tiêu [13] Theo hiệp định: Là các khoản thu nhập chịu thuế làm căn cứ xét miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
* Phần: “Các khoản giảm trừ”
– Chỉ tiêu [15] Tổng số tiền giảm trừ gia cảnh: Là tổng các khoản giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc. Trong đó:
+ Giảm trừ cho bản thân = 09 triệu đồng/tháng x Tổng số tháng đã tính giảm trừ trong năm.
Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán cho tổ chức, doanh nghiệp thì giảm trừ cho bản thân được tính đủ 12 tháng là 108 triệu đồng/năm.
+ Giảm trừ cho người phụ thuộc = 3,6 triệu đồng/người x Tổng số tháng đã tính giảm trừ cho người phụ thuộc trong năm.
Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán cho tổ chức, doanh nghiệp thì giảm trừ cho người phụ thuộc được tính đủ theo thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng trong kỳ nếu cá nhân có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc theo quy định (Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính ).
– Chỉ tiêu [16] Từ thiện, nhân đạo, khuyến học: Là các khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa; các khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận (nếu có).
– Chỉ tiêu [17] Bảo hiểm được trừ: Là các khoản đóng góp bảo hiểm gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể: BHXH: 8%, BHYT: 1,5%, BHTN: 1%.
– Chỉ tiêu [18] Quỹ hưu trí tự nguyện được trừ: Là tổng các khoản đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 01 triệu đồng/tháng, kể cả trường hợp đóng góp vào nhiều quỹ (Điều 15 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
– Chỉ tiêu [19] Thu nhập tính thuế: Phần mềm sẽ tự động cập nhật.
– Chỉ tiêu [20] Số thuế TNCN đã khấu trừ: Là tổng số thuế TNCN mà tổ chức, doanh nghiệp đã khấu trừ của cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên trong kỳ.
– Chỉ tiêu [21] Số thuế TNCN được giảm do làm việc trong khu kinh tế:
– Số thuế được giảm bằng 50% số thuế phải nộp của thu nhập chịu thuế cá nhân nhận được do làm việc trong khu kinh tế (nếu có).
– Chỉ tiêu [22] Tổng số thuế phải nộp: Là tổng số thuế phải nộp của cá nhân uỷ quyền quyết toán thay. Cụ thể: Chỉ tiêu [22] = ([19] x Thuế suất biểu thuế lũy tiến) – [20].
– Chỉ tiêu [23] Số thuế đã nộp thừa: Nếu xuất hiện chỉ tiêu này thì có thể xảy ra trường hợp hoàn thuế hoặc chuyển kỳ sau.
– Chỉ tiêu [24] Số thuế còn phải nộp: Nếu xuất hiện chỉ tiêu này thì tổ chức, doanh nghiệp phải đi nộp thêm tiền thuế.
- Cách lập phụ lục 05-2/BK-QTT-TNCN: Dành cho tổ chức, doanh nghiệp kê khai thu nhập đã trả cho những cá nhân không cư trú, cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng.
– Chỉ tiêu [07] đến [09]: Nhập theo từng cá nhân. Nhập MST vào chỉ tiêu [08] thì không cần nhập số CMND/Hộ chiếu vào chỉ tiêu [09].
– Nếu muốn thêm dòng thì ấn phím “F5”. Nếu muốn xóa dòng thì ấn phím “F6”.
– Chỉ tiêu [10]: Nếu là cá nhân không cư trú thì click vào ô này.
– Chỉ tiêu [11] Tổng số: Là tổng các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công đã trả trong kỳ cho cá nhân không cư trú, cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng lao động dưới 03 tháng, kể cả các khoản tiền lương, tiền công nhận được do làm việc tại khu kinh tế và thu nhập được miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.
Lưu ý: Các khoản thu nhập của cá nhân người lao động ở phụ lục 05-2/BK-QTT-TNCN này không được giảm trừ hoặc miễn thuế. Tức là Tổng thu nhập bao nhiêu thì nhập vào chỉ tiêu [11] bấy nhiêu.
– Chỉ tiêu [12]: TNCT từ phí mua BH nhân thọ, BH không bắt buộc khác của doanh nghiệp BH không thành lập tại Việt Nam cho người lao động (nếu có).
– Chỉ tiêu [13] Làm việc trong KKT: Là các khoản thu nhập chịu thuế mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập trả cho cá nhân do làm việc tại khu kinh tế trong kỳ, không bao gồm thu nhập được miễn giảm theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (nếu có).
– Chỉ tiêu [14] Theo hiệp định: Là các khoản thu nhập chịu thuế làm căn cứ xét miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
– Chỉ tiêu [15] Số thuế TNCN đã khấu trừ: Là tổng số thuế thu nhập cá nhân mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đã khấu trừ của từng cá nhân trong kỳ.
Lưu ý: Nếu cá nhân có làm bản cam kết mẫu 02/CK-TNCN (Ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC), tức là không khấu trừ 10% thì nhập “0 đồng” vào đây.
– Chỉ tiêu [16]: Là số thuế khấu trừ từ phí mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác của doanh nghiệp Bảo hiểm không thành lập tại Việt Nam cho người lao động (nếu có).
– Chỉ tiêu [17] Số thuế TNCN được giảm do làm việc trong khu kinh tế: Số thuế được giảm bằng 50% số thuế phải nộp của thu nhập chịu thuế cá nhân nhận được do làm việc tại khu kinh tế (nếu có).
- Cách lập phụ lục 05-3/BK-QTT-TNCN:
– Tổ chức, doanh nghiệp trả thu nhập kê khai đầy đủ 100% người phụ thuộc đã tính giảm trừ trong năm 2016 vào Phụ lục bảng kê 05-3/BK-QTT-TNCN này.
– Đối với những NPT đã được cấp MST thì không phải khai đủ các thông tin định danh, chỉ cần khai thông tin tại các chỉ tiêu [06] “STT”, [07] “Họ và tên người nộp thuế”, [08] “MST của người nộp thuế”, [09] “Họ và tên người phụ thuộc”, [10] “Ngày sinh người phụ thuộc”, [11] “MST của người phụ thuộc”, [14] “Quan hệ với người nộp thuế”, [21] “Thời gian tính giảm trừ từ tháng”, [22] “Thời gian tính giảm trừ đến tháng”.
Lưu ý: Để thực hiện quyết toán thuế TNCN năm 2016 thì Người phụ thuộc phải được cấp MST (Xem hướng dẫn của Cục Thuế về cách đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh).
Bước 3: Hoàn thành
Sau khi đã kê khai xong 3 phụ lục thì ấn nút: “Ghi” -> Sang bên tờ khai “05-QTT-TNCN” để kiểm tra lại số liệu.
– Nếu xuất hiện chỉ tiêu [45] thì tổ chức, doanh nghiệp phải nộp thêm tiền thuếTNCN
– Nếu xuất hiện chỉ tiêu [46] thì tổ chức, doanh nghiệp theo dõi bù trừ kỳ sau hoặc làm thủ tục hoàn thuế TNCN.
Bước 4: Kết xuất dữ liệu ra file
Sau khi cập nhật dữ liệu vào các phần mềm kê khai, cá nhân thực hiện:
- Kết xuất dữ liệu ra file: Sử dụng các chức năng của phần mềm để kết xuất dữ liệu ra file theo đúng định dạng của CQT quyđịnh.
Lưu ý: Kiểm tra số liệu khớp đúng giữa bản in ra giấy và file dữ liệu. CQT sẽ yêu cầu gửi lại file dữ liệu nếu có chênh lệch với bản giấy hoặc sai tên, sai cấu trúc, định dạng qui định.
Bước 5: Gửi file dữ liệu quyết toán đến CQT
Đối với các file dữ liệu đã được kết xuất tại bước 3, NNT có thể gửi file đến cơ quan thuế theo một trong hai cách sau:
- Gửi qua mạng internet: NNT truy cập trang điện tử http://thuedientu.gdt.gov.vn (phân hệ CÁ NHÂN), sử dụng chức năng Tải tờ khai để gửi file dữ liệu cho CQT và thực hiện các bước theo hướng dẫn sử dụng phần mềm.
- Gửi trực tiếp tại CQT hoặc qua bưu điện cùng với hồ sơ khai thuế bằng giấy: NNT ghi tệp dữ liệu vào đĩa CD hoặc USB. Tuy nhiên, CQT khuyến khích Cá nhân gửi file qua internet hoặc qua bưu điện.
Bước 6: Nộp hồ sơ quyết toán thuế
- NNT gửi hồ sơ khai quyết toán thuế đã in đến cơ quan thuế theo các hình thức như: Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của Luật thuế TNCN.
Lưu ý:
- Đối với cá nhân có gửi hồ sơ giấy và file phải in và gửi kèm trang bìa tệp với hồ sơ giấy.
- Đối với cá nhân chỉ gửi hồ sơ giấy không cần gửi kèm trang bìa tệp.
Bước 7: Theo dõi kết quả gửi file
- Sau khi gửi hồ sơ quyết toán, file dữ liệu, NNT truy cập vào cổng thông tin điện tử http://thuedientu.gdt.gov.vn (phân hệ CÁ NHÂN), để theo dõi kết quả gửi tệp dữ liệu (Xem chi tiết hướng dẫn sử dụng phần mềm trên địa chỉ http://thuedientu.gdt.gov.vn (phân hệ CÁ NHÂN)
Bước 8: Điều chỉnh số liệu quyết toán
Khi có các sai sót cần điều chỉnh hoặc nhận được thông báo cần điều chỉnh của CQT, cá nhân thực hiện kê khai quyết toán, kết xuất lại tệp dữ liệu và gửi cho CQT. Các bước thực hiện bắt đầu từ Bước 1 đến Bước 6.
Lưu ý: Ghi nhớ tên file điều chỉnh để copy hoặc gửi đúng tệp dữ liệu đã điều chỉnh.
- Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN năm 2017:
– Thời hạn nộp tờ khai cũng là thời hạn nộp tiền thuế. Chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. (tức là ngày 30/3/2018)
Những quy định, hướng dẫn mới nhất của Tổng cục thuế về thuế TNCN
Ngày 05 tháng 02 năm 2018, Cục thuế TP Hà Nộ đã ban hành công văn số 5749/CT-TNCN V/v quyết toán thuế TNCN năm 2017 và cấp MST NPT. Tải về công văn ở đây: cv 5749 huong dan qtt tncn va cap mst npt
Một số câu hỏi, giải đáp và hướng dẫn mới nhất cập nhật từ Tổng cục thuế, lưu ý là chưa có hướng dẫn chính thức cho kỳ quyết toán thuế 2017 (30/03/2018)
Công ty tôi mới thành lập vào tháng 06/2017, từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2017 và không có đối tượng nào phải nộp thuế TNCN (thu nhập dưới 9 triệu/tháng). Vậy Công ty tôi có phải khai quyết toán thuế TNCN không?
Theo khoản 1, Điều 21 Thông tư số 92 năm 2015 của Bộ Tài chính thì tổ chức trả thu nhập từ tiền lương, tiền công không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thuế thay cho cá nhân có uỷ quyền. Do đó, Công ty bạn phải thực hiện khai quyết toán thuế năm 2017 theo quy định.
Tôi là một Chuyên gia nước ngoài thuộc thành viên của tổ chức phi Chính Phủ đang thực hiện dự án viện trợ cho các cháu bị chất độc da cam tại Việt Nam, tôi được biết Chính Phủ Việt Nam có chế độ miễn thuế TNCN cho các chuyên gia nước ngoài. Vậy xin hỏi tôi phải làm những hồ sơ gì để được miễn thuế TNCN?
Căn cứ khoản 1, Điều 2 Thông tư số 96 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về hồ sơ miễn thuế đối với Chuyên gia nước ngoài được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Quyết định số 06 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm:
– Xác nhận Chuyên gia nước ngoài và đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân của Cơ quan chủ quản hoặc của Chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài đối với thu nhập từ việc trực tiếp thực hiện chương trình, dự án phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam của Chuyên gia nước ngoài theo mẫu quy định;
– Các tài liệu liên quan như: Bản sao Quyết định phê duyệt chương trình, dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.; Bản sao Văn kiện chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt; Bản sao hợp đồng ký giữa Chuyên gia nước ngoài với Tổ chức phi Chính phủ nước ngoài hoặc với Cơ quan chủ quản hoặc với Chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.
Đối tượng nào phải thực hiện quyết toán thuế TNCN 2017?
Theo quy định tại Điều 12 Thông tư 151/2014/TT-BTC, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ các trường hợp sau:
Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.
Cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán.
Cá nhân, hộ gia đình chỉ có thu nhập từ việc cho thuê nhà, cho thuê quyền sử dụng đất đã thực hiện nộp thuế theo kê khai tại nơi có nhà, quyền sử dụng đất cho thuê.
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng (không quá 120 triệu đồng/năm) đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập từ cho thuê nhà, cho thuê quyền sử dụng đất có doanh thu bình quân tháng trong năm không quá 20 triệu đồng (không quá 240 triệu đồng/năm) đã nộp thuế tại nơi có nhà cho thuê, có quyền sử dụng đất cho thuê nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Cá nhân là đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp đã được tổ chức trả thu nhập khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Quyết toán thuế TNCN đối với lao động có thu nhập từ tiền lương theo thang bảng lương và tiền lương khuyến khích theo doanh số?
Theo hướng dẫn tại Công văn 19465/2017/CT-TTHT của Cục Thuế Hà Nội về quyết toán thuế TNCN thì doanh nghiệp thực hiện tổng hợp các khoản tiền lương theo thang bảng lương và tiền lương khuyến khích theo doanh số để khấu trừ và kê khai thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công, cụ thể:
Khi chi trả khoản tiền lương, tiền công cho người lao động có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì doanh nghiệp thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần trước khi chi trả.
Khi chi trả khoản tiền lương, tiền công cho người lao động không ký hợp đồng lao động hoặc có ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì doanh nghiệp khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi chi trả.
Khi quyết toán thuế TNCN, doanh nghiệp kê khai người lao động ký hợp đồng lao động 3 tháng trở lên vào bảng kê 05-1/BK-QTT-TNCN và kê khai người lao động không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng vào bảng kê 05-2/BK-QTT-TNCN.
Cá nhân làm việc ở công ty A đến tháng 3/2017, sau đó, đến tháng 4/2017 bắt đầu làm tại công ty B cho đến hết năm 2017 thì có thể ủy quyền cho công ty B quyết toán thuế TNCN không?
Căn cứ Khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ 2 nơi trở lên trong năm nếu thuộc trường hợp phải quyết toán thuế TNCN thì phải trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế, chứ không được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, đơn vị chi trả thu nhập thực hiện thay.
Cá nhân cần thực hiện thủ tục sau: Chuẩn bị hồ sơ gồm (Tờ khai quyết toán thuế mẫu số 02/QTT-TNCN (file đính kèm); Mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc; Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có). Cá nhân cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên bản chụp đó).
Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành Thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế.
Trường hợp, theo quy định của luật pháp nước ngoài, cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp, người nộp thuế có thể nộp bản chụp Giấy chứng nhận khấu trừ thuế (ghi rõ đã nộp thuế theo tờ khai thuế thu nhập nào) do cơ quan trả thu nhập cấp hoặc bản chụp chứng từ ngân hàng đối với số thuế đã nộp ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế.
Bản chụp các hóa đơn chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).
Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài phải có tài liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài.
Nơi nộp hồ sơ: Tại chi cục thuế cá nhân cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú)
Theo quy định pháp luật, người lao động làm việc từ 2 nơi trở lên trong năm không được ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho tổ chức, đơn vị chi trả thu nhập, bên kế toán “đã lỡ” thực hiện quyết toán thuế thì phải xử ý như thế nào?
Căn cứ Công văn 527/CT-TTHT năm 2017 của Cục Thuế Hà Nội về quyết toán thuế TNCN, cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức, cá nhân trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Bảng kê 05A/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Quyết toán thuế TNCN 2017 như thế nào đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam vừa có thu nhập tại nước ngoài, vừa có thu nhập tại Việt Nam?
Đối với thu nhập tại nước ngoài, cơ quan chi trả ở nước ngoài đã khấu trừ thuế TNCN thì được trừ số thuế TNCN ở nước ngoài vào số thuế TNCN phải nộp ở Việt Nam.
Trường hợp, theo quy định của luật pháp nước ngoài, cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp, người nộp thuế có thể nộp bản chụp thư xác nhận của cơ quan chi trả ghi rõ số thuế TNCN đã khấu trừ và đã nộp thuế theo tờ khai thuế thu nhập nào trong hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN.
Căn cứ Công văn 62383/CT-TTHT năm 2017 của Cục Thuế Hà Nội về thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp nào được ủy quyền quyết toán thuế TNCN?
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng tại 01 tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại 1 tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
Cá nhân người lao động (NLĐ) được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp. Cuối năm NLĐ có ủy quyền quyết toán thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thay cho NLĐ.
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập chỉ thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được từ tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Trường hợp tổ chức chi trả sau khi thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp và thực hiện quyết toán thuế theo ủy quyền của người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ sang thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả.
Trường hợp nào không được ủy quyền quyết toán thuế?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cá nhân đảm bảo đủ điều kiện được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế theo quy định nhưng đã được tổ chức, cá nhân thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì không ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập (trừ trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho cá nhân).
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không đảm bảo đủ điều kiện được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán theo quy định, nhưng thuộc diện phải quyết toán thuế TNCN thì trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế trên toàn bộ thu nhập phát sinh trong năm, cụ thể một số trường hợp không ủy quyền quyết toán thuế TNCN như sau:
Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% (kể cả trường hợp có thu nhập vãng lai duy nhất tại một nơi) thì cá nhân không ủy quyền quyết toán.
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm cả trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khẩu trừ nhưng không khấu trừ) thì cá nhân không ủy quyền quyết toán./.
Xem thêm Quyết toán thuế TNDN theo hướng dẫn mới nhất của Tổng Cục Thuế