Bài viết

Kỳ án "Lá trúc đào" (Kỳ 2)

   Kỳ 2: kỳ án “ lá trúc đào

·       Cán bộ điều tra đã ép cung, dùng nhục hình?

·       Tại sao kết quả gíam định không được đưa vào hồ sơ vụ án?

·       Có chuyện hứa hẹn hôn nhân với người thứ ba?

·       Hai mươi năm tù hay trắng án?

Những uẩn khúc dần sáng tỏ…!


          Được sự mách bảo của nhiều người, ông cụ thân sinh của Chiến lặn lội lên Hà Nội nhờ cậy luật sư Nguyễn Thành Vĩnh bào chữa cho đứa con trai khốn khổ .
 “ Tôi không bào chữa vô tội cho kẻ giết người !” - Vị luật sư có dáng người khắc khổ thẳng thắn trả lời

“ Nhưng nó không giết người . Nó vô tội. Tôi xin thề trên mạng sống của mình là nó vô tội. Anh hãy cứu cháu nó cho tôi. Nếu không thì tôi cũng không thể sống nổi. Tôi chỉ còn có một mình nó thôi”

Những giọt nước mắt của người cha chảy tràn trên gò má già nua. Với sức khoẻ của ông, cùng câu chuyện đau thương này, chắc ông không còn sống được bao lâu nữa.
“ Nếu anh ta vô tội, tôi sẽ bào chữa cho anh ta” – Vị luật sư nói chắc như đinh đóng cột. Chuyến xe cuối ngày về Quảng Ninh ngày hôm ấy có hai người khách mới. Suốt chặng đường họ không nói với nhau câu nào.

Đến Quảng Ninh,  luật sư  Vĩnh tìm gặp bị cáo Chiến tại phòng tạm giam.  Anh ta như người chết đuối vớ được cọc, đã kể lại nỗi oan uổng của mình :

          Trong lần cuối cùng về thăm vợ, chị Liễu  bắt chồng vào làng kiếm lá trúc đào  sắc lấy nước để bôi chỗ chân bị loét đã lâu ngày của anh.  Nghe vợ nói đây là cách chữa dân gian rất hiệu nghiệm nên Chiến vui vẻ nghe theo. Để minh chứng cho lời nói của mình, Chiến đã kéo ống quần cho luật sư xem chỗ chân loét nay đã se lại thành sẹo.

 Tìm trong bệnh án của nạn nhân Liễu, luật sư được biết chị ta có tiền sử bị bệnh sốt rét mãn tính và  hở van tim. Người bị bệnh này trong y học có khuyên  không nên lập gia đình, nếu lập gia đình thì không nên có con. Tuy nhiên chị ta vẫn bất chấp mọi điều kiêng kị để lập gia đình.

          Tìm hiểu nguyên nhân gây chết người của lá trúc đào, vị luật sư  đã tìm hiểu thông tin từ bệnh viện Bạch Mai và được biết : trong thành phần lá trúc đào có chứa độc tố, vị rất đắng. Chất này nếu đem nấu cháo dẫu có cho nhiều đường người ăn cũng dễ dàng phát hiện ra, đó là chưa kể đến việc nạn nhân Liễu lại là y tá.
          Việc  Chiến khai nhận tại cơ quan điều tra mình đã giết vợ là do cán bộ xét hỏi ép cung, dùng nhục hình, đồng thời hứa sẽ giảm nhẹ tội nếu chịu ký vào biên bản hỏi cung . Do không chịu được những căng thẳng trong quá trình xét hỏi, Chiến đã phải làm theo “chỉ dẫn” của cán bộ điều tra với hy vọng chỉ phải chịu vài tháng tù giam. Bản thân anh ta cũng rất phân vân việc mình chưa rửa sạch xoong  trước khi nấu cháo cho vợ ăn nên rất có thể trong xoong còn sót nước lá trúc đào. Nếu như vậy chắc chắn trong dạ dày của chị Liễu phải có độc tố gây chết người trên.
          Tuy nhiên một điều khó hiểu  là trong hồ sơ vụ án  không hề có kết luận xét nghiệm của Bệnh viện kiểm nghiệm Trung ương về mẫu dịch dạ dày của nạn nhân. Để có được kết luận quan trọng này, luật sư Vĩnh  phải thân chinh đến Bệnh viện kiểm nghiệm trung ương để “ hỏi thăm” !  Ông được biết : kết luận giám định  đã được gửi về cơ quan điều tra, nội dung: không tìm thấy độc chất trong dịch dạ dày. Nạn nhân chết không phải do bị đầu độc. Vì muốn sớm kết thúc vụ án, cán bộ điều tra đã bỏ qua  bản kết luận quan trọng này, trong khi kết luận khám nghiệm ban đầu của bác sĩ địa phương “ có dấu hiệu ngộ độc” lại được coi là bằng chứng buộc tội trước toà! Đây chính là một nguyên nhân khiến vụ án bị đẩy  đi theo một chiều hướng khác hẳn.


          Về người phụ nữ  mà theo tin đồn là bị cáo Chiến có quan hệ tình cảm, muốn giết vợ để được cùng chung sống, qua quá trình tìm hiểu vị luật sư biết: trước đây Chiến và chị ta có quen biết và quý mến nhau, nhưng không hề có chuyện hứa hẹn hôn nhân. Bằng chứng là trước khi chị Liễu bị chết mấy thắng , người phụ nữ này đã lập gia đình. Hơn nữa qua tìm hiểu những người sống chung quanh, luật sư được biết Chiến là người rất yêu vợ con. Tìm trong cuốn sổ nhật ký của anh ta có nhiều đoạn tình cảm dành cho vợ , cho con; trong đó có một đoạn thơ như sau

                            Anh muốn mau bay về

                            Quỳ bên em tha thiết  

                            Khôn xiết cảm ơn em

                            Thơm mãi má sữa thơm

                            Con chúng ta... hoàng tử!

          Như vậy rõ ràng Chiến không hề có động cơ giết vợ. Chị Liễu chết cũng không phải do bị đầu độc mà rất có thể do thể trạng quá yếu, trong sinh hoạt vợ chồng lại không điều độ nên dẫn đến tình trạng đột tử
Tại phiên toà phúc thẩm dưới sự điều khiển của chủ toạ  Ngọc - thẩm phán TANDTC , những chứng cứ và lý lẽ trên đã được cung cấp khiến mọi người có mặt đều hết sức sửng sốt. Hội đồng xét xử buộc phải xem xét lại hồ sơ vụ án cũng như lắng nghe lời khai  trước toà của bị cáo. Sau khi phân tích một cách khách quan , thấu tình, đạt lý Hội đồng xét xử đã tuyên : bị cáo Chiến vô tội! Bản án này được cả phòng xử án đồng tình dù rằng trước đó không ít người còn yêu cầu phải xử bị cáo với mức án chung thân mới đích đáng!


Kỳ án “Lá trúc đào” ngay từ những năm 60 – 70 đã được coi là bài học mẫu cho các cán bộ điều tra, xét xử. Việc bỏ lọt bất kỳ chứng cứ nào, sự nóng vội, tuỳ tiện, chủ quan trong quá trình điều tra, xét xử đều có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Đặc biệt ở đây nó lại liên quan trực tiếp đến số phận con người .Và luật sư là người không thể thiếu trong một vụ án. Tuy nhiên lâu nay đã có lúc người ta xem nhẹ vai trò ấy.

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: