Bài viết

Ai quản lý cổ tức của nhà nước?

Doanh nghiệp quốc doanh là khu vực duy nhất của nền kinh tế hiện nay mỗi khi được tăng vốn không phải cam kết sẽ sử dụng vốn hiệu quả cụ thể ở mức nào.

Vietnam Report vừa công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất nước. Trong số 10 đơn vị hàng đầu, chỉ có hai công ty không có tí vốn nhà nước nào là Bảo hiểm nhân thọ Prudential và liên doanh Phú Mỹ Hưng. Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, Nhà nước là người thu thuế, áp dụng một mức thuế thu nhập bằng nhau cho tất cả mọi thành phần kinh tế, nên doanh nghiệp nào nộp nhiều thuế cần phải được khen thưởng, động viên để họ làm ăn hiệu quả hơn nữa, để “nộp thuế năm sau cao hơn năm trước”. 

Tuy nhiên, ở góc độ ông chủ – là người đầu tư vốn vào các doanh nghiệp quốc doanh – thì Nhà nước không thể không tính toán đến hiệu quả sử dụng đồng vốn của mình. Và sự tính toán đó không chỉ đơn thuần dựa trên số thuế thu nhập mà doanh nghiệp nhà nước nộp cho ngân sách.

Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank đứng ở vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng. Theo báo cáo thường niên năm 2009, Vietcombank nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 1.060 tỉ đồng. Nhưng đây không phải là số tiền duy nhất ngân sách thu được từ ngân hàng.

Năm ngoái Vietcombank trả cổ tức 12% cho cổ đông hiện hữu. Với tư cách là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 90,72% vốn của Vietcombank (vốn điều lệ Vietcombank năm 2009 là 12.100 tỉ đồng), Nhà nước còn nhận được 1.317 tỉ đồng cổ tức. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đại diện cho phần vốn nhà nước tại Vietcombank đã nhận cổ tức nói trên và nộp vào ngân sách.

Như vậy cổ tức của Vietcombank mà Nhà nước nhận được còn cao hơn thuế thu nhập doanh nghiệp của ngân hàng. Nhìn từ khía cạnh này, ông chủ Nhà nước bỏ tiền vào Vietcombank là một nhà đầu tư thành công.
Có những doanh nghiệp không có tên trong tốp 10 của Vietnam Report nói trên, nhưng sự làm ăn hiệu quả của họ đã mang lại cho Nhà nước một mức lợi nhuận đáng kể.

Chẳng hạn Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk vừa trả cổ tức năm 2010 (30%) bằng tiền mặt. Vinamilk hiện có vốn điều lệ hơn 3.500 tỉ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 50,01%. Tính ra SCIC, đại diện cho phần vốn nhà nước tại Vinamilk, đã nhận được 525 tỉ đồng cổ tức. Đây quả là mức đầu tư siêu lợi nhuận!
Tiếc rằng không phải doanh nghiệp nào cũng mang lại hiệu quả kinh doanh như thế cho ông chủ Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Trước đây, khi tiến trình cổ phần hóa mới chỉ bắt đầu, Nhà nước vẫn còn duy trì thuế vốn 4%/năm áp dụng cho khu vực quốc doanh. Cụ thể doanh nghiệp được Nhà nước đầu tư vốn toàn bộ mỗi năm phải nộp thuế 4% trên số vốn điều lệ được cấp. Sau này, các doanh nghiệp quốc doanh phàn nàn nhiều quá, nên thuế vốn không được nhắc đến nữa. Thành ra, khu vực quốc doanh, ngoài những ưu đãi về cơ chế, tài chính, thuế má, vay vốn ngân hàng…còn được ưu đãi về cấp vốn.

Khác với các công ty cổ phần, nơi hàng năm trước đại hội đồng cổ đông ban lãnh đạo phải báo cáo làm ăn ra sao, chia cổ tức thế nào, nếu tăng thêm vốn nhà đầu tư được lợi gì…, doanh nghiệp nhà nước cứ nhận vốn cấp mà không phải công khai sẽ mang lại cho Nhà nước bao nhiêu lợi nhuận. Doanh nghiệp quốc doanh là khu vực duy nhất của nền kinh tế hiện nay mỗi khi được tăng vốn không phải cam kết sẽ sử dụng vốn hiệu quả cụ thể ở mức nào.

Vốn của ngân sách cấp cho quốc doanh không phải từ trên trời rơi xuống. Nó là tiền đóng thuế của dân và tiền đó phải được đầu tư đúng chỗ, đúng lúc nhằm đảm bảo mang lại lợi ích tối đa cho dân. Song, từ nhiều năm nay, ngân sách chưa bao giờ công khai số tiền cấp làm vốn cho các đơn vị quốc doanh mỗi năm, bao nhiêu doanh nghiệp được cấp, cơ chế nào giám sát số tiền được cấp đó và hiệu quả sử dụng nó như thế nào.

Trở lại với vấn đề cổ tức của cổ đông nhà nước. Ở những công ty cổ phần, nơi SCIC làm chủ sở hữu phần vốn nhà nước, người nhận cổ tức là SCIC. Cổ tức này được SCIC nộp cho ngân sách. Những đơn vị có người chủ sở hữu vốn nhà nước là các tổng công ty, tập đoàn, bộ, ngành… thì cổ tức do các thành phần này nhận.

Chẳng hạn công ty quốc doanh A nắm giữ 30% vốn trong công ty cổ phần B, thì công ty A là người nhận cổ tức của công ty B theo tỷ lệ cổ phiếu sở hữu. Việc hạch toán cổ tức nhận được ra sao tùy theo từng nơi, nhưng có nơi đơn vị nhận cổ tức (sau khi nộp thuế) hạch toán vào mục thu nhập khác.

Quá trình cổ phần hóa, khoán, bán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước nhiều năm qua đã tích lũy cho ngân sách một khoản thặng dư đáng kể. Song đến nay, Bộ Tài chính chưa bao giờ công bố cụ thể khoản thặng dư đó là bao nhiêu, nó đã được sử dụng như thế nào để sắp xếp lại lao động dôi dư, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động trong các công ty cổ phần, đầu tư cho những doanh nghiệp mới, doanh nghiệp cần thêm vốn…

Chỉ có SCIC báo cáo hàng quí, hàng năm, tổng doanh thu, lợi nhuận, số tiền thoái vốn và đầu tư thêm ở những đơn vị do tổng công ty đại diện phần vốn nhà nước. Hiện SCIC vẫn đang tiếp nhận thêm những doanh nghiệp mới theo kế hoạch cổ phần hóa hàng năm, nhưng đây không phải là đầu mối duy nhất.

Rõ ràng đã đến lúc cần phải minh bạch hóa những dữ liệu về cổ tức Nhà nước thu được từ các công ty cổ phần, thặng dư từ cổ phần hóa, cấp vốn cho doanh nghiệp quốc doanh hàng năm… Có minh bạch hóa thì mới có thể đánh giá chính xác và đầy đủ hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế nhà nước so với các khu vực khác cũng như với đòi hỏi tái cơ cấu của nền kinh tế.

HẢI LÝ

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục:

Viết Bình luận