MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015
ĐIỂM MỚI BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015
Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2015 và có hiệu lực vào ngày 01/07/2016. Với lần sửa đổi lần này, Bộ Luật hình sự đánh dấu đi mạnh mẽ trong quá trình cải cách nền tư pháp Việt Nam với hàng loại các điểm mới như bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, bổ sung thêm 1 số tội danh v.v…
Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh, gồm: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Đây có thể coi là điểm mới nổi bật nhất trong lần sửa đổi Bộ Luật Hình sự lần này. “Quy định này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm hình phạt tử hình nhằm bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp”, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.
Một trong những quy định mới tiếp theo được quy định tại bộ luật Hình sự lần này là tội phạm chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng sẽ thoát án tử hình. Cụ thể, tại điểm c, Điều 40 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Một điểm đáng chú ý khác trong Bộ luật Hình sự sửa đổi là không tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên. Cụ thể:
+ Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
+ Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu trên nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
+ Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự 2015, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
+ Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự 2015 không quy định là tội phạm…
Điểm mới tiếp theo trong Bộ luật Hình sự 2015 đó là việc quy định về việc pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội. Theo đó, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Điều 76 Bộ luật quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương 18) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương 19).
Điểm mới đáng chú ý tiếp theo đó là việc quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội giết người. Theo điểm 3 Điều 123 Độ luật Hình sự 2015, quy định: “Người nào chuẩn bị phạm tội thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 chỉ quy định chung về việc xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội đối tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Rõ ràng, so với Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) thì việc quy định phạt tù đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội giết người là hoàn toàn mới mang tính tiến bộ so với Bộ luật năm 1999.
Bộ Luật Hình sự 2015 cũng Quy định rõ các hành vi bị xem là trốn thuế như:
+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
+ Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán…
Ngoài ra, Bộ luật hình sự còn quy định thêm một số tội danh như:
- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
- Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
- Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi.
- Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Với những thay đổi cơ bản này, Bộ luật Hình sự 2015 phần nào giải quyết các vấn đề nổi cộm của xã hội trong thời gian qua. Đó chính là thành quả, là bước đi mạnh mẽ trong công cuộc cải cách tư pháp của Pháp luật Việt Nam.
Bài viêt cùng danh mục:
- 0 Bình luận