Sửa quy định về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
|
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, ngày 1/9/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Thực tiễn sau 1 năm triển khai cho thấy Nghị định đã góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước; góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao hiệu quả của hoạt động hải quan và đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 425 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2017. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 211 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2017 là 296.583 tỷ đồng tăng 9,5% so với năm 2016.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện Nghị định số 134/2016/NĐ-CP cũng đã phát sinh, bộc lộ một số bất cập, vướng mắc về chính sách ưu đãi miễn, giảm, hoàn cũng như các thủ tục miễn và hoàn thuế, không thu thuế cần được sửa đổi, bổ sung.
Thứ nhất, vướng mắc liên quan đến quy định về chính sách ưu đãi miễn thuế, đối tượng ưu đãi miễn thuế như: Quy định về miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu, sản xuất sản phẩm xuất khẩu chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương về chủng loại hàng hoá được miễn thuế và chưa bao quát các hình thức gia công và sản xuất xuất khẩu đang ngày càng trở nên phổ biến (gia công chuyển tiếp, thuê gia công lại một phần của công đoạn sản xuất xuất khẩu). Đồng thời tại Nghị định chưa quy định rõ về ưu đãi miễn thuế đối với phế liệu, phế thải, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa của hoạt động gia công sản phẩm xuất khẩu, của hoạt động sản xuất xuất khẩu dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện.
Thứ hai, vướng mắc về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính trong việc miễn, giảm và hoàn thuế: Hiện nay, nhiều hồ sơ, thủ tục về miễn, giảm, hoàn thuế quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC vẫn đang được thực hiện do những nội dung quy định về hồ sơ, thủ tục miễn giảm hoàn thuế tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP chưa đầy đủ. Theo Luật ban hành VBQPPL số 80/2015/QH13, việc ban hành thủ tục hành chính trong thông tư được xem là hành vi bị cấm và cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp. Vì vậy, để bảo đảm về thẩm quyền quy định các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính như hồ sơ, thủ tục, điều kiện để được miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện đang được quy định Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính cần được bổ sung quy định tại dự thảo Nghị định này.
Mục tiêu xây dựng Nghị định là hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hiệu quả Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/QH13 và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu với giá trị gia tăng cao qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế; đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
VINLAWYER & CỘNG SỰ
Vì cuộc sống an bình và thịnh vượng!
Địa chỉ : Tầng 5, số 2/2 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Tel: 0903252891
Email: infor@vinlawyers.com
Website: vinlawyers.com
Bài viêt cùng danh mục:
- 0 Bình luận